0919 498 625

Tin tức

"Tây đô" đau đầu... vì rác thải

Hơn 10 năm qua, TP Cần Thơ vẫn chưa kêu gọi được nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác tập trung, cũng chưa có bãi rác quy mô lớn, đáp ứng các điều kiện vệ sinh môi trường. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các bãi rác tạm từ khu vực nội ô nằm giữa khu dân cư, đến ngoại thành ngày càng nghiêm trọng, khiến người dân rất bức xúc.

 

Ô nhiễm nghiêm trọng


Nhiều tháng qua, người dân tại khu đô thị mới Nam Cần Thơ (phường Phú Thứ, quận Cái Răng) phải sống chung với mùi hôi nồng nặc của rác thải. Bãi rác tạm đặt tại khu vực Thạnh Thắng, phường Phú Thứ đang trở nên quá tải và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.


Ông Nguyễn Văn Lực (58 tuổi) có nhà cạnh bãi rác bức xúc: “Từ tháng 5-2014 đến nay, bãi rác này mọc lên đã làm xáo trộn cuộc sống của người dân. Hàng ngày, mùi hôi của rác thải, ruồi nhặng bu đầy từ sáng đến tối. Đã vậy, xe chở rác chạy dọc con lộ làm rơi vãi nước đầy đường khiến người dân ở đây không thể nào chịu nổi, nhiều trường hợp bệnh về đường hô hấp”.


Theo phản ánh của người dân, bãi rác ở phường Phú Thứ mọc lên mà họ không hề được thông báo. Mỗi ngày, có tới hàng trăm lượt xe ồ ạt tập kết rác về đây đổ đống, chất thành núi trong khi đó không có một phương pháp xử lý rác nào hiệu quả. Nước thải từ bãi rác tràn ra đất sản xuất và khu dân cư.


Ngay trung tâm TP Cần Thơ (thuộc khu vực 2, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều) cũng bỗng dưng mọc lên 1 bãi rác khiến hàng trăm hộ dân sống xung quanh vô cùng bức xúc. Bà Lưu Thị Hồng Lan (61 tuổi, Phó Khu vực 2) phản ánh: “Bãi rác trên nằm ngay cận kề với hàng trăm hộ dân trong khu vực từ gần 2 năm qua và nạn ô nhiễm ngày một nghiêm trọng. Mùi hôi thối, ruồi nhặng dày đặc khiến nhà nào cũng phải đóng kín cửa suốt ngày.


Người dân ở đây không biết nước thải của khu tập kết rác thải đi đâu, nhưng cứ mỗi khi trời mưa là nước cống đen ngòm cộng thêm mùi hôi kinh khủng tràn vào nhà dân. Mỗi khi họp hành là dân phản ánh lên cơ quan các cấp. Đã nhiều lần dân đòi chặn xe không cho đổ rác vì đã quá sức chịu đựng. Người dân ở đây kiến nghị dù là bãi tập kết rác tạm thời, nhưng cơ quan quản lý phải đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của họ”.


Bãi rác Đông Thắng của huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ từ tháng 5-2014 đến nay đã trở nên quá tải khi phải “gánh” hàng trăm tấn rác thải của thành phố mỗi ngày và gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh là nghiêm trọng.


Loay hoay chạy rác


Hơn 10 năm qua, có hàng chục lượt nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Cần Thơ tìm hiểu để đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải nhưng đến thời điểm này chưa có dự án nào được triển khai. Nguyên nhân chính là không thống nhất được các điều kiện về công nghệ, giá xử lý. Sau khi tỉnh Hậu Giang đóng cửa bãi rác Tân Long tại huyện Phụng Hiệp (vào cuối năm 2013, bãi rác dùng chung cho Cần Thơ và Hậu Giang) thì Cần Thơ trực tiếp đối mặt tình trạng ùn ứ rác.


Cần Thơ đã quy hoạch khu xử lý rác 47ha tại phường Phước Thới quận Ô Môn. Thế nhưng, trước mắt chưa có nhà đầu tư nên xây tạm ô chứa rác thải. Ô xử lý rác hoạt động được vài tháng thì người dân địa phương quyết liệt ngăn cản không cho xe vào đổ rác vì ô nhiễm môi trường.


Để “chạy rác”, ngoài việc các quận huyện tự lo nơi đổ rác, nâng công suất các bãi rác của địa phương hiện có, các bãi rác tạm mọc lên… trở nên quá tải. Đồng thời, Cần Thơ cấp tập đầu tư xây dựng hệ thống lò đốt rác thủ công, kinh phí 2 tỷ đồng/lò. Đến nay đã vận hành 3 lò tại bãi rác ở quận Cái Răng, 7 lò tại bãi rác Phước Thới, quận Ô Môn. Thế nhưng, công suất của các lò đốt rác này chỉ 10 – 12 tấn/ngày, chẳng thấm vào đâu với lượng rác thải 450 tấn/ngày (khoảng 1.100 khối) của 4 quận trung tâm là Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn…


Ông Nguyễn Tấn Dược, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ cho biết: “Hiện 7 lò đốt rác tại bãi rác Phước Thới, quận Ô Môn hoạt động tối đa công suất 12 tấn/ngày. Đến ngày 15-11, bãi rác Phước Thới sẽ tăng khả năng tiếp nhận từ 60 lên 100 tấn/ngày. Giải pháp xây dựng các lò đốt rác thủ công chỉ là tình thế, tạm thời. Thành phố đang tiếp tục kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác tập trung, quy mô lớn”.


Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thạch Em, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Công trình đô thị TP Cần Thơ cho biết: Bãi rác tại phường Phú Thứ quận Cái Răng đang tiếp nhận 160 tấn/ngày (trong đó quận Ninh Kiều 120 tấn, Cái Răng 40 tấn). 3 lò đốt rác chỉ xử lý được tối đa 30 tấn/ngày, đang quá tải và từ ngày 15-11 công ty sẽ ngưng đổ rác tại đây. Trạm trung chuyển rác tại khu vực 2 phường Cái Khế còn tồn đọng 1.200 tấn, sẽ tiếp tục giải phóng.


Chưa biết sắp tới có tiếp nhận rác thêm hay không khi ngưng đổ tại bãi rác tạm ở quận Cái Răng. Từ ngày 15-11, toàn bộ rác của 4 quận trung tâm sẽ tập trung về bãi rác Phước Thới, quận Ô Môn (100 tấn/ngày) và huyện Cờ Đỏ (350 tấn/ngày).


 
 

* Trong báo cáo mới đây gởi Chủ tịch UBND TP Cần Thơ về tình hình khó khăn trong thu gom, vận chuyển và xử lý rác, ông Lưu Việt Chiến, Chủ tịch Công ty TNHH MTV công trình đô thị Cần Thơ nêu rõ: Trên thực tế, công ty đã sử dụng tối đa công suất các phương tiện phù hợp (tải trọng nhỏ hơn 8 tấn), thuê thêm phương tiện bên ngoài để vận chuyển rác nhưng với khả năng tiếp nhận, xử lý của bãi rác cờ đỏ và năng lực vận chuyển hiện hữu của công ty thì việc phải vận chuyển tăng thêm 120 tấn/ngày (khi bãi rác ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng ngưng tiếp nhận) đến bãi rác Cờ Đỏ là vượt khả năng.


* Hiện nay, việc thu gom, xử lý rác lại phân tán, do nhiều đơn vị thực hiện. Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Cần Thơ chỉ chịu trách nhiệm thu gom và vận chuyển rác vào các bãi chứa, còn chức năng xử lý thuộc các đơn vị khác. Việc xử lý rác (đốt, chôn lấp, phun xịt hóa chất khử mùi…) tại quận Cái Răng do Công ty TNHH Lê Gia Hưng đảm nhiệm. Tại bãi rác Phước Thới do Công ty cổ phần Xây dựng Mùa Xuân và Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư công nghệ Ecotech Việt Nam xây dựng hạ tầng, lắp đặt, vận hành 7 lò đốt rác. Còn việc chôn lấp, khử mùi… tại bãi rác Cờ Đỏ do Công ty cổ phần Minh Tâm đảm trách. Các lò đốt rác cũng gây ô nhiễm môi trường còn hơn bãi rác.

 

Theo Báo Sài Gòn Giải phóng

Các bài viết khác